Giới thiệu Chéri (Colette, bìa mềm)
CHÉRI (Colette, Aman dịch) LỜI GIỚI THIỆU Nếu Paris quả là một cuộc hội hè miên man, thì Sidonie-Gabrielle Colette hẳn là người chìm đắm nhất trong số những văn sĩ đã chọn nơi này làm chốn nương náu và sáng tạo ở thời kỳ trước, trong và sau hai cuộc thế chiến. Colette có xuất thân tỉnh lẻ, ra đời năm 1873 ở Saint-Sauveur-en-Puisaye, tỉnh Yonne, miền Đông nước Pháp, trong một gia đình khá phức tạp về thành phần song vẫn được hưởng một tuổi thơ êm đềm và tự do tư tưởng. Mười sáu tuổi, trong một chuyến du lịch Paris, Colette gặp Henri Gauthier-Villars (1859-1931), nghệ danh Willy. Những khó khăn về tài chính của gia đình và cám dỗ của kinh thành hoa lệ, sự hấp dẫn của báo chí và văn chương đã khiến Colette quyết định cưới nhà phê bình âm nhạc có ảnh hưởng lớn, nhà tiểu thuyết nổi tiếng, một trong những chủ sở hữu của nhà xuất bản Gauthier-Villars này khi mới tròn hai mươi tuổi. Willy chính là người nâng đỡ “ngôi sao” văn chương Colette, là cầu nối để Colette lui tới các salon nghệ thuật của giới thượng lưu Paris, gặp gỡ những tên tuổi như Anatole France, Marcel Proust, Debussy… Năm 1905, Colette học khiêu vũ và kịch câm, gặp gỡ nữ hầu tước Mathilde de Morny (1863-1944), người có những biệt danh như Max hay Missy, và có cơ hội khám phá khuynh hướng lưỡng tính của bản thân. Tại Moulin-Rouge ngày 3 tháng 1 năm 1907, Colette và Missy có nụ hôn nổi tiếng khi diễn vở kịch câm Rêve d’Égypte (Giấc mơ Ai Cập) bất chấp sự hỗn loạn, la ó, chửi bới của khán giả. Thời gian đó, Willy đem bán tác quyền các tiểu thuyết mà Colette viết dưới tên Willy và các bất động sản chung của hai người - còn Colette phải nỗ lực kiếm sống bằng biểu diễn nhạc kịch, kịch câm trong những bộ trang phục mỏng tang, khiêu khích trên sân khấu các rạp hát Marigny, Moulin-Rouge, Bataclan và cho ra đời các tiểu thuyết mới: La Vagabonde, L’ingénue libertine… Rồi Colette ly hôn với Willy, đồng thời rời xa Missy vì trúng tiếng sét ái tình với Auguste-Olympe Hériot (1886-1951), con trai giám đốc bách hóa Grands Magasins du Louvre. Người đàn ông này là nguồn cảm hứng để Colette xây dựng nhân vật Chéri. Mối quan hệ của họ chóng tàn bởi Colette coi thường sự biếng nhác và tính khí u sầu của Hériot. Năm 1910 Colette cộng tác với nhật báo Le Matin (Buổi sáng) và bắt đầu mối quan hệ với tổng biên tập là Henry de Jouvenel (1876-1935). Bà tiếp tục diễn kịch câm trong các vở L’Oiseau de nuit, La chatte amoureuse. Bà cho xuất bản L’envers du music-hall với bút danh Colette Willy, kết hôn với Henry de Jouvenel và sinh một đứa con gái đặt tên là Colette Renée de Jouvenel vào năm 1913 trước khi người chồng bị động viên ra mặt trận Verdun trong Thế chiến I. Ở tuổi bốn mươi, chán nản vì thói trăng hoa của chồng và bị gán tội cản trở sự nghiệp chính trị của Henry de Jouvenel, Colette quay quyến rũ con riêng của chồng là Bertrand de Jouvenel, khi đó mới mười sáu tuổi. Năm 1923, bà ly hôn Henry de Jouvenel, xuất bản tiểu thuyết Julie de Carneilhan, được coi như một đòn trả thù. Năm 1920 Colette cho xuất bản Chéri, một tiểu thuyết đã phác thảo trước chiến tranh và từng xuất hiện trong tạp chí minh họa La vie Parisienne (Đời sống Paris). Năm 1921, Colette cộng tác với Leopold Marchand đưa Chéri lên sân khấu. Nhân buổi diễn lần thứ 100, Colette đã vào vài nữ chính Léa. Năm 1925, Colette gặp Maurice Goudeket (1889-1977), một doanh nhân, nhà báo và nhà văn ở Paris khi bà đã năm mươi hai tuổi. Mối quan hệ này kéo dài hơn dự tính, họ kết hôn vào năm 1935 với lý do để hợp thức hóa chuyến đi sang Mỹ. Trong thời gian nước Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng, Colette hầu như chỉ ở Paris với chồng. Vì có nguồn gốc Do Thái mà Maurice bị Gestapo bắt ngày 12 tháng 12 năm 1941 rồi đưa tới trại tập trung ở Compiègne. Colette tận dụng mọi mối quan hệ, từ bạn bè cho tới các thành viên của chính phủ, hay thậm chí cả đại sứ Đức tại Paris, để chồng bà được thả vào ngày 6 tháng 2 năm 1942. Colette vẫn không ngừng viết báo và tiểu thuyết. Chủ nghĩa phi chính trị của bà và nhu cầu về tài chính đã thúc đẩy Colette cộng tác với Le Petit Parisien, La Gerbe, các tạp chí xuất bản trong vùng tự do như tuần báo Candide, tuần báo Gringoire … Điều này khiến Colette hứng chịu chỉ trích từ các cây bút của Les Lettres francaises, một ấn phẩm văn học của Phong trào Kháng chiến Pháp, được thành lập trong thời kỳ Chiếm đóng. Năm 1945, Colette được bầu vào Viện hàn lâm Goncourt và trở thành chủ tịch của tao đàn này vào năm 1949. Toàn tập của Colette được nhà Le Fleuron, do Maurice Goudeket thành lập năm 1948, tổ chức và xuất bản. Sau chiến tranh, bà vừa viết văn vừa viết báo, cộng tác với Marie Claire. Colette qua đời ngày 3 tháng 8 năm 1954, là người phụ nữ đầu tiên được cử hành quốc tang. Văn chương của Colette phản ánh rất ít các vấn đề chính trị và kinh tế, chủ yếu tập trung vào tâm lý và phong hóa, cũng như những chuyển biến lớn lao của xã hội của đương thời. Khác với André Gide, Romain Rolland hay Jean Giraudoux, Colette chiếm một vị thế biểu tượng cho tự do, phá bỏ mọi quy ước trong đời sống cá nhân cũng như trong văn chương. Có một điều chắc chắn là, chủ đề của Colette và phong cách viết tao nhã của bà đã tạo nên một tên tuổi lừng lẫy. Nhà phê bình Serge Doubrovsky cho rằng Colette là cây bút tiên phong của thể loại “tự truyện hư cấu”. Tiểu thuyết của Colette luôn nhập nhòe ranh giới giữa hư và thực. Ở bất kỳ tác phẩm nào ta cũng có thể thấy thấp thoáng một Colette thông minh, khó nắm bắt, hoang dã và độc lập như trong bộ saga về Claudine, một Colette bày tỏ trải nghiệm lưỡng tính như trong Le Pur et l’Impur, hay một Colette phù phiếm, phóng đãng như trong Chéri. Trong gia tài sáng tác của Colette, Chéri được coi là nổi tiếng hơn cả. Bằng một văn phong nhẹ nhàng, tao nhã, tác giả thuật lại một chuyện tình “khốc hại” giữa Léa, một kỹ nữ về vườn nhưng vẫn còn quyến rũ và Fred, một chàng trẻ tuổi, xinh đẹp, hời hợt, đỏng đảnh, được người tình gọi bằng cái tên Chéri (cục cưng). Tác phẩm thể hiện rất rõ tinh thần đi trước thời đại của Colette, một người mà Simone de Beauvoir cho rằng dù bị chỉ trích vì không đấu tranh cho nữ quyền nhưng chắc chắn là một trong những nữ nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ XX. Bối cảnh của tiểu thuyết này là xã hội thượng lưu Paris vào khoảng những thập niên 1910-1920 đang trên đà suy tàn mà không hề hay biết. Những gương mặt đại diện cho tầng lớp tư sản phù phiếm, đam mê đầu tư tài chính và không quên lối sống sa đọa với những cuộc phiêu lưu tình ái dị hợm được đặc tả rất tinh tế. Trong bầu không khí ngây ngất đó, đôi tình nhân bất hạnh, nạn nhân của những định kiến thời đại phải chấp nhận thua cuộc trước sự chênh lệch của tuổi tác. Ngòi bút sắc sảo của Colette cho thấy bà là bậc thầy mô tả tâm lý và tính cách nhân vật. Nếu như từ ban đầu Léa đã dành cho Chéri một tình yêu mang màu sắc thống trị pha lẫn nhân từ thì sự thống trị và nhân từ ấy lại được Chéri học hỏi và áp dụng một cách vô thức với người vợ trẻ Edmée. Thời gian nghiệt ngã nhưng vai trò của họ cũng nghiệt ngã không kém. Nếu Chéri và Léa đổi chỗ cho nhau, chúng ta sẽ không có một chuyện tình tai tiếng nữa, không có một tiểu thuyết cảm động và rất đỗi ý nhị nữa. Chéri có thể coi là một tác phẩm kinh điển bộc lộ một cách thẳng thắn về quan điểm về tình yêu và phong cách của Colette: tinh tế, quyết liệt, tràn đầy nhục cảm. Cuốn tiểu thuyết tương đối mỏng này từng được dịch ra tiếng Anh bởi nhiều dịch giả như Roger Senhouse (1951) và gần đây nhất là hai bản dịch rất mới, cùng xuất bản năm 2022 của Rachel Careau (nhà xuất bản W.W. Norton) và Paul Eprile (nhà xuất bản Penguin Random House). Nhân dịp 150 năm ngày sinh của Colette, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm thú vị này cùng bạn đọc, qua bản dịch từ nguyên bản tiếng Pháp. PhoenixBooks, tháng 12 năm 2023 Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....
Giá MVL