Nhật Ký Chiến Tranh - Chu Cẩm Phong (một tác phẩm văn học kỳ lạ)

"Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong - một tác phẩm văn học kỳ lạNhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự không nhữn...
  • Giao hàng toàn quốc
  • Được kiểm tra hàng
  • Thanh toán khi nhận hàng
  • Chất lượng, Uy tín
  • 7 ngày đổi trả dễ dàng
  • Hỗ trợ xuất hóa đơn đỏ

Giới thiệu Nhật Ký Chiến Tranh - Chu Cẩm Phong (một tác phẩm văn học kỳ lạ)

"Nhật ký chiến tranh" của Chu Cẩm Phong - một tác phẩm văn học kỳ lạ

Nhà văn liệt sĩ Chu Cẩm Phong đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đây là vinh dự không những của gia đình nhà văn mà còn là vinh dự chung của giới văn nghệ chúng ta-Lần đầu tiên một nhà văn được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Chu Cẩm Phong được phong tặng danh hiệu Anh hùng không chỉ vì đã dũng cảm chiến đấu vào giây phút cuối cùng khi địch khui hầm gọi hàng, gương mẫu, đi đầu trong công tác, chiến đấu suốt những năm 1964-1971 ở chiến trường miền Nam mà còn ở thành tích sáng tác của anh-với tư cách một nhà văn. Anh đã dũng cảm, chịu đựng gian khổ, hy sinh để len lỏi vào những vùng sâu, căn cứ địch, sống với du kích, cán bộ cơ sở để vừa công tác vừa lấy tài liệu sáng tác. Chu Cẩm Phong đã được xuất bản 3 tập sách: Mặt biển mặt trận, Rét tháng giêng và Nhật ký chiến tranh.

Tập Nhật ký chiến tranh là tập sách có sức nặng nhất của anh. Từ những dòng nhật ký của anh đã hiện lên cuộc sống, chiến đấu kiên trung bất khuất của nhân dân ta tại những vùng đất chiến tranh ác liệt nhất của Khu V (Quảng Nam, Quảng Đà và Quảng Ngãi). Nhiều sự việc, con người thực trong nhật ký còn gây xúc động cho ta suốt nhiều năm qua và tôi tin sẽ còn gây xúc động lâu dài. Tập Nhật ký chiến tranh trở thành một sự kiện văn học trong những năm qua. Vì thế, nhiều người muốn tìm hiểu về tác giả và quyển nhật ký đó.

Nhật ký của Chu Cẩm Phong viết từ ngày 11-7-1967 đến 27-4-1971, ngày anh hy sinh. Để viết nhật ký, Chu Cẩm Phong đóng nhiều quyển sổ bằng giấy pơluya, gần như mỗi năm ghi một quyển. Trước khi đi công tác ở Quảng Đà vào cuối tháng 3-1971, Chu Cẩm Phong gửi lại cho tôi các quyển sổ ghi nhật ký viết từ 1967 đến cuối năm 1970 cùng một vài bản thảo viết tay và đánh máy, tôi nhớ trong đó có bút ký Làng Tà Riềng (có một bản viết tay và một bản đánh máy, tôi đưa chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong bản viết tay, tôi sẽ nói sau, còn giữ lại bản đánh máy, sau chiến tranh nhờ nhà văn Nguyễn Thành Long, gửi cho báo Văn Nghệ in).

Tất cả các quyển sổ ghi nhật ký và một số bản thảo của Chu Cẩm Phong được đựng trong thùng đạn đại liên của Mỹ, để khi có địch càn quét, chúng tôi sẽ đào chôn hoặc cho xuống suối, sau đó sẽ tìm lại. Việc này, trong chiến tranh cán bộ ta ở căn cứ, cả ở đồng bằng vẫn hay làm. Như vậy là khoảng 4/5 tập Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong sau này (từ tháng 7-1967 đến cuối 1970), Chu Cẩm Phong giao cho đồng đội anh là tôi giữ. Anh chỉ cầm theo quyển sổ đang viết dang dở để viết tiếp nhật ký cho đến khi hy sinh. Quyển này, trước khi đi Quảng Đà, anh có ghé lại Nước Vin để chia tay chị PL, người yêu và có cho chị xem một số đoạn ghi về chị trước đó (theo lời chị PL kể lại) và có nói với chị là các quyển sổ ghi nhật ký những năm trước đã gửi lại cho tôi.

Vì thế, sau khi Chu Cẩm Phong hy sinh, chị PL được ra Bắc đã ghé lại cơ quan Hội Văn nghệ giải phóng Khu V thăm chúng tôi và xin tôi cho các quyển sổ Nhật ký của anh để chị mang ra Bắc bảo vệ tốt hơn. Ngày đó, tôi còn ít tuổi, cũng ngu ngơ lắm, nhưng nghĩ: “Chị PL có buồn khi Chu Cẩm Phong mất, nhưng một thời gian rồi chị sẽ xây dựng gia đình mới. Vậy những quyển số nhật ký này rồi sẽ ra sao. Tốt hơn hết, mình là đồng đội của anh nên giữ lại, sau này còn có khi dùng”. Vì thế, tôi nói dối với chị:

- Đúng là tôi giữ các quyển sổ nhật ký của anh Tiến (Chu Cẩm Phong), nhưng vừa qua tôi đi công tác, giao lại cho Cao Duy Thảo, Thảo giờ lại đi Bình Định nên không biết nó giấu thùng đại liên ở đâu nên không thể đưa các quyển sổ ghi nhật ký cho chị được.

Chị PL hơi buồn. Sáng hôm sau, tôi lén giở thùng đại liên đưa cho chị bản thảo viết tay bút ký Làng Tà Riềng gọi là chút kỷ niệm có chữ viết tay của Chu Cẩm Phong và tiễn chị ra về. Sau đó, Cao Duy Thảo về tôi kể lại chuyện, Thảo nói: “Mày làm thế là đúng”.

Những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đựng trong thùng đạn đại liên theo tôi đến đầu năm 1975. Khi tôi cùng Phan Nghĩa An được phân đi công tác Quảng Ngãi (tháng 2/1975) tôi đã trao lại cho nhà thơ Ngô Thế Oanh giữ thùng đạn đại liên có đựng những quyển sổ nhật ký của Chu Cẩm Phong đó. Ngô Thế Oanh đã mang thùng đạn đại liên ấy về tận 10 Gia Long (nay là 10 Lý Tự Trọng) khi giải phóng Đà Nẵng.

Khoảng 10 hôm sau ngày giải phóng Đà Nẵng (theo lời nhà thơ Bùi Minh Quốc kể) Bùi Minh Quốc đã nhận được quyển sổ ghi nhật ký cuối cùng của Chu Cẩm Phong, tức là khoảng 1/5 tập sách Nhật ký chiến tranh sau này của Chu Cẩm Phong từ tay một sĩ quan của chế độ Sài Gòn trao lại mà anh đã kể trong lời giới thiệu Tuyển tập Chu Cẩm Phong. Quyển sổ này được Chu Cẩm Phong viết từ đầu 1971 đến ngày mất (1-5-1971). Sau đó, Ngô Thế Oanh và Bùi Minh Quốc chuyển tất cả 5 quyển sổ nhật ký cho gia đình Chu Cẩm Phong ở Hội An. Tài liệu nhà thơ Bùi Minh Quốc cung cấp để in Nhật ký chiến tranh (NXB Văn học) và Tuyển tập Chu Cẩm Phong (NXB Đà Nẵng) là do anh photo lại của gia đình. Tất cả chuyện này, tôi và Ngô Thế Oanh có cung cấp cho nhà văn, nhà báo Tô Hoàng viết trên báo Sài Gòn giải phóng năm 2000 (tôi không nhớ rõ số báo).

Gần đây ở Quảng Nam-Đà Nẵng và một số nơi rộ lên ý kiến: Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong là do một sĩ quan ngụy cung cấp toàn bộ như Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm do người lính Mỹ cung cấp vậy. Do đó, tôi xin viết lại những dòng này trong lúc tôi còn sống, nhà thơ Ngô Thế Oanh còn sống, chị PL, người yêu Chu Cẩm Phong còn sống, nhà văn Cao Duy Thảo còn sống để cung cấp rõ về mọi thông tin của tập sách Nhật ký chiến tranh của Chu Cẩm Phong chứ không phải để kể công lênh gì (vì làm gì có chuyện công lênh khi giữ hiện vật của đồng đội, đó là trách nhiệm).

Chúng tôi chỉ muốn có sự rõ ràng mà thôi. Mặt khác, tôi và đồng đội của tôi cũng rất cảm ơn người sĩ quan Sài Gòn cũ đã trao lại cho chúng tôi một phần, phần cuối cùng của bản thảo nhật ký Chu Cẩm Phong, để sau này, khi in sách chúng tôi có đầy đủ như tập Nhật ký chiến tranh này. Sở dĩ chúng tôi muốn nói rõ mọi việc vì muốn chứng minh rằng: đồng đội của Chu Cẩm Phong cũng rất nâng niu trân trọng giữ lại những di vật (đây là những quyển sổ nhật ký) của anh để lại, chứ không phải như ai đó nói là nhờ người sĩ quan kia cung cấp tất cả tư liệu mới có tập sách rồi suy diễn đủ chuyện. Viết những dòng này, chúng tôi mong rằng, được cung cấp những thông tin cho bạn đọc, cho các nhà nghiên cứu (cho cả những ai biết rõ sự thật mà cố tình nói khác đi) tìm hiểu về tập Nhật ký chiến tranh của nhà văn Chu Cẩm Phong, nhất là những người ở thế hệ sau này, khi chúng tôi không có điều kiện để “nói lại” được nữa.

Dưới đây là một số đoạn trích trong "Nhật ký chiến tranh" (*):

Thứ Năm 5-9-68

Hai ngày dầm mưa. Bão gần, bão số 6 đổ bộ vào miền Trung. Nước lũ đổ về dữ quá. Con sông Nước Mỹ xám ngắt réo rắt xiết qua các thác đá. Các suối nhỏ thành suối lớn. Suối lớn thành sông. Chiều nay đi về lội nước suýt bị trôi, ống chân và đầu gối va vào đá bầm tím, đau buốt. Bàn tay da nhăn nheo lại như vỏ quýt khô. Đi trên các đỉnh cao, gió cứ rít lên ào ào, gió rú qua lá cây rờn rợn. Thỉnh thoảng lại có một cây ngã rầm rầm khủng khiếp. Đêm qua ngủ lại một cái nhà hoang giữa rừng. Lúc đầu chỉ có 6 đứa bọn mình, càng về tối càng đông. Chen chúc trong một cái nhà cũ đã xiêu mục có 21 người. Chật không có chỗ chen. Đêm nằm, các xà nhà cứ kêu răng rắc muốn sụp. Nước trong rừng chảy qua nền nhà ướt át, bẩn thỉu. Vẫn cứ phải nấu cơm trên cái nền ướt đó. Người chia nhau hầm ngô, rang ngô (dạo này anh em đi trên đường dây hầu hết là phải ăn ngô hột trừ cơm), lấy áo quần ướt, sưởi lử khói lên ngùn ngụt, sặc sụa. Lộn xộn, bừa bãi như một bến xe ngày trước. Khi lửa đã tắt, khói đã hết, bắt đầu một tai nạn khác; con quỷ quái gì đó bay ra chui vào tóc vào mình cắn vừa đau, vừa ngứa. Ở cái nhà ấy, bình thường chắc sẽ đẹp. Nhà trên bờ sông, dưới một gốc cổ thụ rất to, cành cây ngả xoài ra mặt nước, ngồi ở đây câu cá chắc rất thú. Ban đêm không ngủ được, chốc chốc nghe một tiếng rắc, cả nhà lại hét om lên:

- Cậu nào đấy, sao lại nhún dữ vậy, sụp nhà thì sao?

- Này, sao lại coi 21 mạng người như bỡn vậy?

Hạnh bên Điện Ảnh trải ni lông nằm dưới đất, nước tràn vào ướt mem, khuya cậu ta dậy ngồi một lúc rồi lại chui ra rừng cột võng dưới võng của Hồng. Nước trong rừng cuốn lá trôi xuống kẹt dưới võng thành đống. Võng, tấm dù đắp ướt sũng. Một cậu bộ đội nghĩa vụ nói tiếng Nghệ An la ầm lên vì chiếc quần đùi sấy ở đống lửa bốc cháy khét lẹt. Cột võng trong nhà, võng vẫn bị ướt vì mái đã dột hết.

Sáng nay dậy mang gùi tiếp tục đi A9 nhưng nước to quá. Quý và Tam đi không được. Dù có qua được con sông này, đến sông kia cũng không thể lội được. Mình quyết định dừng lại tạt vào rừng, sửa lại cái lều đã sụp,che lại đàng hoàng, để Giai và Tam ở lại giữ đồ đạc, còn anh em quay về A7 để chuyển chuyến khác.

Mình có hai bộ áo quần đều ướt sạch, đành mặc quần ướt cởi trần ngồi trước đống lửa sưởi.

Bên ngoài đang bão lớn. Đài cho biết gió có thể đến cấp 10.

Giá sản phẩm trên Tiki đã bao gồm thuế theo luật hiện hành. Bên cạnh đó, tuỳ vào loại sản phẩm, hình thức và địa chỉ giao hàng mà có thể phát sinh thêm chi phí khác như phí vận chuyển, phụ phí hàng cồng kềnh, thuế nhập khẩu (đối với đơn hàng giao từ nước ngoài có giá trị trên 1 triệu đồng).....


Giá MSB

Thông tin chi tiết

Công ty phát hànhAn Nam Books
Loại bìaBìa mềm
Số trang550
Nhà xuất bảnNhà Xuất Bản Hội Nhà Văn
SKU3201908423752
Liên kết: [Bán Chạy] Bộ sản phẩm dưỡng Trắng da White Seed The Face Shop (4SP)