Giới thiệu Sách - Nét Cũ Duyên Xưa
Nét Cũ Duyên Xưa
( Tặng Postcard bốn mùa ngẫu nhiên )
Công ty phát hành: Thái Hà
Ngày xuất bản: 12-2017
Kích thước: 14.5 x 20.5 cm
Loại bìa: Bìa mềm
Số trang: 273
Nhà xuất bản: Lao Động
Từ khi con người đặt vào y phục những chức năng cao hơn chức năng bảo vệ thân thể người mặc thì y phục đã trở thành trang phục mang thêm chức năng trang trí, làm đẹp. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, trang phục còn mang thêm chức năng cao hơn nữa là truyền tải những ký hiệu văn hóa, những thông điệp phong phú về đời sống vật chất, tinh thần của mỗi cá nhân, cộng đồng xã hội, thậm chí về một dân tộc, một quốc gia. Trang phục là hình thức bên ngoài nhưng cũng có thể là một lát cắt bộc lộ những sắc thái vi tế nhất trong đời sống tinh thần thời đại, trong chuyển biến tâm lý xã hội. Trang phục truyền thống của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng tộc người trên thế giới là thành tố quan trọng tạo nên những giá trị văn hóa đặc thù và bền vững mà ta vẫn gọi là bản sắc văn hóa. Vậy, trang phục truyền thống mang bản sắc văn hóa của dân tộc Việt là gì? Cuốn sách nhỏ này không có tham vọng đi tìm lời giải đáp toàn diện cho câu hỏi ấy nhưng lại muốn đào sâu vào bên trong những dữ kiện để cảm nhận và thấu hiểu tâm tư của các thế hệ cha ông ẩn chứa, gửi gắm trong những nếp khăn tà áo. Nước Việt Nam ta nằm ngay cận kề với nước Trung Hoa có nền văn minh rực rỡ, thế nên những ảnh hưởng văn hóa, phong tục qua lại giữa hai nước là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử mà ảnh hưởng văn hóa, phong tục Trung Hoa tới nước ta diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngoài xu hướng giao thoa tự nhiên như thường xảy ra giữa những khu vực văn hóa cận kề còn có sự học hỏi một cách có ý thức từ phía người Việt và cả sự cưỡng bức nhằm thực hiện ý đồ đồng hóa từ phương Bắc. Từ xưa, các triều đại phong kiến Việt Nam vẫn thường lấy điển chương Trung Hoa làm mẫu mực để chế định trang phục. Cho dù sự học tập ấy đôi khi cũng là nỗ lực khẳng định tính tự cường dân tộc, nhưng điều này cũng khiến trang phục nước ta, đặc biệt là triều phục, phẩm phục mang dấu ấn Trung Hoa rõ rệt. Có câu nói được cho là của Tagore: “Một dân tộc mà phải lấy một thứ tiếng ngoại quốc làm cái khí cụ văn hóa cho mình, thời kết quả đến nghèo nàn khốn nạn là dường nào”. Trang phục cũng có thể được xem là một “khí cụ văn hóa” hay một thứ “ngôn ngữ đặc biệt”. Ngược lại, cho dù trang phục dân gian cũng phải chịu những định chế nghiêm ngặt, những áp đặt nhiều khi vô lý từ phía triều đình nhưng vẫn phần nào giữ được bản chất phóng khoáng cố hữu của văn hóa dân gian. Đặc biệt, hình thái bán tự trị của văn hóa làng vô cùng đặc trưng của người Việt như một thứ “kháng thể” có khả năng chống lại sự xâm thực văn hóa từ bên ngoài. Trong môi trường văn hóa làng xã luôn có xu hướng khép kín ấy, nơi mà thậm chí phép vua còn thua lệ làng thì nhiều tập tục truyền thống vẫn được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trang phục dân gian của người Việt ‒ đặc biệt là trang phục phụ nữ vẫn còn gìn giữ được tương đối nhiều những nét đặc sắc, thậm chí có cả những tập tục đã xuất hiện từ thời Đông Sơn cách đây mấy ngàn năm. Song song với việc lưu truyền phong tục cũ, người dân Việt Nam tự ngàn đời cũng vẫn bền bỉ thẩm thấu những tinh hoa văn hóa bốn phương, rồi chuyển biến chúng thành những nét đặc sắc của mình. Không cầu kỳ như những vàng son nhung gấm, mão miện hài hia của vua chúa và giới chức quan lại, nhưng những chiếc nón lá, nón cụ quai tơ, nón thúng quai thao, yếm đào, khăn vấn, áo tứ thân, áo dài, guốc sơn, guốc tre… những thứ y phục quá đỗi bình dị của tầng lớp thường dân vẫn luôn là nơi nâng niu những nét duyên thuần Việt nhất, nơi lưu giữ những hình ảnh đặc thù cho bản sắc văn hóa trang phục Việt.
Trong trang phục dân gian, trang phục phụ nữ đa dạng và mang nhiều nét đặc trưng hơn hẳn so với trang phục nam giới. Xưa nay, từ Tây sang Đông, trang phục của cánh đàn ông thường có xu hướng đồng nhất và kém đa dạng. Làm đẹp là nhu cầu hết sức tự nhiên của chị em phụ nữ. Bằng sự khéo léo và sáng tạo, phụ nữ không chỉ tạo ra những bộ trang phục đẹp mà còn góp phần dệt lên tấm thảm văn hóa đa sắc cho cộng đồng, một thứ “điệu thức, âm giai” bằng vật chất, màu sắc và hình khối mang sắc thái đặc trưng cho mỗi cộng đồng dân tộc, mỗi vùng miền. Dù ở bất cứ nơi đâu thì một nếp khăn vấn bỏ tóc đuôi gà, một vành nón cụ quai tơ hay nón thúng quai thao, những tà áo tứ thân buộc vạt hay tà áo dài thướt tha đều có thể gợi nhớ về tổ quốc, đó chính là những hình ảnh “rất Việt”. Trang phục dân gian luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thế nhưng thư tịch xưa nay chưa bao giờ dành cho nó một vị trí xứng đáng. Trong phần Phong tục của các sách vở xưa nay chỉ nhắc qua về trang phục dân gian trong khi đề cập rất chi tiết đến phẩm phục, lễ phục. Cuốn sách nhỏ này được viết ra bằng niềm yêu văn hóa dân gian nói chung, trang phục dân gian nói riêng, với ước vọng làm sáng rõ thêm những nét đẹp thuần Việt trong trang phục dân gian của phụ nữ, cũng như cung cấp cho bạn đọc những câu chuyện xác thực và lý thú
Giá GOAT