Giới thiệu Sách - Chim bằng và nghé hoa
Công ty phát hành: Bách Việt
Tên Sách: Chim bằng và Nghé hoa
Tác giả: Bùi Việt Sỹ
Số trang: 391
Loại bìa: Bìa Mềm
Ngày phát hành: 08-2017
Giới thiệu:
Chim Bằng Và Nghé Hoa
"Bằng một thứ nghệ thuật của Tam Quốc, nhà văn Bùi Việt Sỹ đã cho bạn đọc những trang kỳ thú của cuộc chiến tranh chính nghĩa trong giai đoạn cuối cùng, với một người anh hùng biểu tượng của Dịch học trái núi trong lòng đất. Với một ngòi bút xuất thân từ mệnh Địa Sơn Khiêm, trái núi trong lòng đất. Và với riêng tôi, vừa đọc tiểu thuyết bằng con mắt đam mê sách kiếm hiệp, vừa với con mắt người đọc Dịch, có thú vui thưởng thức cái hay gấp đôi bình thường, có phải vậy không?
Quả thật nhân vật Lý Thường Kiệt là một trái núi trong lòng đất, núi cao mà khiêm nhường, lấy đất làm nền cho vững, ông đi suốt đời mình với tâm thế hiền thảo, với năng lực siêu quần, trên đỉnh cao quyền lực, trên đỉnh cao của thành công, nhưng suốt đời ở trong lòng dân, trong lòng đất nước. Tác giả đã cho nhân vật của mình xuất hiện giữa chợ, trong đám đông mãi võ, có tên tướng giang hồ đang trổ tài gậy gộc, ăn hiếp người. Và chàng trai trẻ mảnh dẻ đã cho tên vô lại một trận thư hùng, một bài học để đời. Hành động đó của chàng lọt vào mắt vua Lý Thái Tông đang “vi hành” trong chợ dưới mã thương nhân. Chàng trở thành người của nhà vua từ đấy. Ngay khi còn trẻ tuổi, vừa mới thành hôn, chưa kịp hưởng thú vui ân ái với người đẹp Huệ Khanh, chàng đã theo lệnh vua thực hiện việc “tịnh thân” để hàng ngày được gần vua giúp nước. Khác với các hoạn quan, “tịnh thân” để hưởng thụ danh lợi, chàng chịu cái khổ nhục này, chỉ để có dịp phò vua trị nước, cho đến cuối đời, lịch sử đã cho thấy đó là một hành động anh hùng, trước đó chỉ mới thấy một Tư Mã Thiên tác giả bộ Sử ký tuyệt vời bên Trung Hoa. Hành động đó cũng là một biểu hiện núi cao trong lòng đất. Núi cao là Lý thường Kiệt. Lòng đất ở đây là nhân vật Huệ Khanh. Tác giả đã tạo ra một cô gái xinh đẹp ở làng quê Việt tự hình thành bản lĩnh từ thuở mới thành thân. Nàng đã dám cưỡi một con nghé hoa vượt qua con sông Cái đang mùa lũ để chiêm ngưỡng một cây tuồng tài hoa đóng vai Hạng Vũ trong đêm biệt Ngu Cơ. Chỉ riêng việc dám cưỡi nghé hoa vượt qua sông lũ đã làm siêu hồn người. Nhưng Huệ Khanh còn làm kinh động người khi điều khiển Nghé hoa xông vào đâm thủng mắt con trâu hung dữ được mệnh danh là Ngưu Ma Vương của một phú ông. Số phận đã xui khiến nàng gặp Lý Thường Kiệt và lâm cảnh bi tráng khi chàng báo tin đã tịnh thân.
Tác giả Bùi Việt Sỹ có lẽ do mách bảo của mệnh giời dành cho mình, đã dừng lại rất lâu ở đoạn cuối sách, những đêm lẫm liệt bi hùng của Lý Thường Kiệt bên chiến tuyến sông Như Nguyệt đã thực sự ngăn bước chân xâm lược của quân Tống, giờ chỉ còn trận cuối cùng nữa thì hoàn toàn xóa sổ cuộc xâm lăng. Nhưng đến lúc cuối cùng này tướng quân Lý đã suy tính: giặc phải chịu mối thù hận bằng hàng vạn sinh linh, ta cũng phải trả một giá không nhỏ bằng hàng nghìn binh sĩ con em của đồng quê, hương trang. Một lời kêu gọi âm thầm vang lên trong tâm tư người cầm quân: hãy biết dừng lại, cầu hòa, cho giặc rút lui, mang về một chiến công giả tạo, ta chịu tốn lễ vật và cái danh xưng (cũng là giả tạo), để vừa cứu được nước vừa cứu lấy muôn ngàn sinh linh của cả hai bên."
- Nhà văn Xuân Cang
Giá REZ