Giới thiệu Sách - Hoàng Cầm Về Kinh Bắc - Ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hoàng Cầm
HOÀNG CẦM VỀ KINH BẮC
Ấn phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm (1922 – 2022)
Nhóm Hoàng Hưng biên soạn
Loại sách: Sách màu, bìa cứng
Khổ sách: 18x24cm, 400 trang
NXB Hội Nhà Văn, tháng 1/2022
Quỹ tưởng niệm 100 năm Hoàng Cầm & Công ty CPVH An Lạc phát hành
* Một ấn phẩm tinh tế, duy mỹ, hợp nhất thi - ca - nhạc - hoạ trong một thể, đem lại ấn tượng sinh động về vẻ đẹp đa sắc, đa thanh cùng nét tài hoa rất riêng biệt của thơ Hoàng Cầm.
* Nội dung chính của ấn phẩm là tập thơ Về Kinh Bắc - một tuyệt tác “toàn bích và nổi tiếng nhất”, “gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả”, “một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về văn hóa Kinh Bắc”.
* Kết hợp hài hoà với tranh minh hoạ của các hoạ sĩ nổi tiếng Chu Hồng Tiến, Đỗ Dũng, Ngô Thị Bình Nhi, Khoachim.
* Đi kèm với các bài viết, bài bình luận của các tác giả, nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn, Thích Nữ Chân Không, Hoàng Hưng, Đỗ Lai Thuý, Phạm Xuân Nguyên, Trần Thanh Cảnh, Nguyễn Đức Tùng, Lê Thị Thanh Tâm, Lê Hồ Quang
* Phụ lục phong phú bao gồm tranh vẽ, ảnh tư liệu, nhạc phẩm của các tác giả Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Phạm Duy, Hoàng Lập Ngôn, Lưu Văn Sìn, Phan Tại, Hữu Xuân, Nguyễn Thuỵ Kha, Trần Tiến, Nguyễn Đình Toán.
Sách bìa cứng sang trọng, in màu toàn bộ trên giấy Couches vàng ngà, khổ lớn 18x24cm, 400 trang.
Tặng kèm: postcard tranh ký hoạ màu của thi sĩ Hoàng Cầm, cùng bookmark xinh xắn.
------------
Về Kinh Bắc là một tập thơ đặc biệt nhất trong các sáng tác của Hoàng Cầm, từ hình thức, phong cách, thể tài, nội dung, cho đến thời điểm sáng tác. Tập thơ cũng là nơi khai sinh của những bài thơ đã trở thành huyền thoại, gắn liền với tên tuổi thi sĩ Hoàng Cầm, như Cây tam cúc, Lá diêu bông, Quả vườn ổi, Cỏ bồng thi, Nước sông Thương, Mưa Thuận Thành
Thai nghén quê xưa
Về Kinh Bắc lọt lòng
Qua tám nhịp tuần du dạ khúc
Tập thơ gồm 48 bài thơ được chia làm tám Nhịp - một cách phân chia độc nhất vô nhị cho một tập thơ, mỗi Nhịp thơ là một chủ đề, một giai điệu, một sắc màu, hoặc lộng lẫy mê say, hoặc miên man sương khói, hoặc lấp lánh vàng son, hoặc mơ màng vụn vỡ, ghép lại thành một bức tranh mộng mị huy hoàng, phong phú sắc thanh, dặt dìu giai điệu của Về Kinh Bắc.
“Trước tiên là một nhạc điệu Hoàng Cầm: dặt dìu, đón đưa, dan díu, buông bắt. Có thể nhận ra tất cả hồn Quan họ ngân nga trong ấy. Thứ nhạc này khiến cho thơ tự do không vần của tác giả, trong khi theo sát diễn biến của từng tâm trạng cụ thể, thậm chí còn du dương hơn lối thơ vần điệu. Ta có thể gọi nó là “điệu tâm hồn Hoàng Cầm”.
(Một đời nhớ tiếc, một đời níu xuân xanh - Nhà thơ Hoàng Hưng)
“Trong đời sống văn học những năm 1958 - 1960, khi cả nền thơ chính thống miền Bắc đang lao vào chủ nghĩa hiện thực XHCN, thì Về Kinh Bắc chào đời quả là một thứ trái lạ. Quá lạ. Nó như là thơ ngoài luồng, nên vẫn chỉ được lưu hành lối “thơ lậu”, “thơ chui”. Có chứng sinh, nhưng không có khai sinh. Như đứa con ngoài giá thú của nền thơ đương thời. Nhưng đặt trong văn mạch dân tộc, nó là sự tiếp nối một huyết thống bị nhấn chìm, một dòng chảy bị gián đoạn suốt mười mấy năm trời trên miền Bắc: dòng thơ lãng mạn tiền chiến… Xem thế, Về Kinh Bắc lại không hoàn toàn là trái lạ, chỉ là trái ngang thôi - trái ngang phè trước những con mắt kỳ thị.”
(Hoàng Cầm - gã phù du Kinh Bắc – Nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn)
“Cái còn lại của ông, cao điểm nhất của tài năng Hoàng Cầm, vẫn nằm ở tập Về Kinh Bắc, và cả Mưa Thuận Thành, một ngôn ngữ bàng hoàng siêu thực, mặc dù nhà thơ có thể không có chủ ý.
Sau Về Kinh Bắc và Mưa Thuận Thành, Hoàng Cầm còn viết nhiều bài thơ khác nhưng không sánh được với đỉnh cao nói trên, có lẽ ông đã ra khỏi cõi mơ hồ Kinh Bắc, ra khỏi một hoàn cảnh dị thường, ở đó là sự phối hợp giữa chật hẹp tù túng của thời chiến tranh và sau Nhân văn Giai phẩm và một thiên nhiên lộng lẫy vẫn còn khá nguyên vẹn, một vùng văn hóa gần với nguyên thủy, cả hai thứ ấy, rất tình cờ tạo ra khung cảnh thơ mộng bát ngát không bao giờ có thể lặp lại được nữa…”
(Đọc lại Hoàng Cầm - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Tùng)
Giá SBZ2.0